NHÀ THỜ GỖ KON TUM: HỒN LINH 100 TUỔI GIỮA NÚI RỪNG TÂY NGUYÊN
Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm ẩn mình giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, như một kiệt tác kiến trúc độc đáo, mang trong mình dấu ấn của lịch sử và tâm linh. Trải qua hơn 100 năm tuổi đời, đại công trình này đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc sắc của Kon Tum, thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc. Được xây dựng hoàn toàn từ vật liệu tự nhiên cùng kỹ thuật truyền thống từ thời xưa cũ, nhà thờ gỗ Kon Tum là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc phương Tây và bản sắc văn hóa địa phương, mang đến một không gian vô cùng linh thiêng. Hãy cùng Zoom Travel khám phá những câu chuyện ẩn chứa bên trong công trình độc đáo này qua bài viết dưới đây.
1. LỊCH SỬ NHÀ THỜ GỖ KON TUM
Nhà thờ gỗ Kon Tum được khởi công xây dựng vào năm 1913 đến năm 1918 thì hoàn thành. Nơi đây còn được biết đến là Nhà thờ chánh tòa Kon Tum – một công trình tôn giáo nổi bật và là biểu tượng kiến trúc đặc trưng của phố núi Kon Tum. Cái tên dân dã mà người dân nơi đây vẫn hay gọi “nhà thờ gỗ” bắt nguồn từ việc công trình này hoàn toàn được xây dựng bằng gỗ cà chít và được thiết kế tinh tế, tỉ mỉ, chi tiết đến từng cen-ti-mét dựa trên kỹ thuật lâu đời từ đất nước mặt trời mọc – mộng gỗ. Có lẽ việc sử dụng kĩ thuật truyền thống thủ công cùng với nguyên vật liệu hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên đã khắc họa được phần nào sự thanh bình vốn có của rừng núi Tây Nguyên cũng như lòng thành kính của con người nơi đây.
Nhà thờ gỗ Kon Tum
2. ĐỊA CHỈ NHÀ THỜ GỖ KON TUM
Nhà thờ gỗ Kon Tum tọa lạc tại số 13 đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất và cách trung tâm thành phố Kon Tum chỉ hơn 2Km.
Cách di chuyển đến nhà thờ chánh tòa Kon Tum
Để có thể đến với nhà thờ gỗ Kon Tum, trước hết bạn phải đặt chân tới thành phố Kon Tum. Bạn có thể lựa chọn các lộ trình cũng như phương tiện di chuyển khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và nơi bạn đang ở. Nhưng đừng lo, tại Zoom Travel đã có lộ trình chi tiết cũng như phương tiện di chuyển để bạn có thể dễ dàng đến với Kon Tum, xem chi tiết tại đây. Vì khoảng cách đến với nhà thờ gỗ chỉ vỏn vẹn hơn 2Km, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng xe ô tô/xe máy cá nhân với 5’ đồng hồ hoặc mất khoảng 25’ để đi bộ.
3. HÀNH TRÌNH GIEO MẦM ĐỨC TIN TRÊN CAO NGUYÊN
Theo sử sách ghi lại, vào những năm thập niên 40 của thế kỉ XIX, các linh mục người Pháp bắt đầu khai mở con đường truyền giáo lên Tây Nguyên với khởi nguyên từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Bắt đầu từ con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng” – được hình thành từ những chuyến đi buôn bán giữa người Kinh và người dân tộc bản địa, kéo dài hơn 120Km nối từ Quảng Ngãi lên đến tận Kon Tum. Con đường này cũng đánh dấu nền móng cho sự nghiệp truyền giáo ở Kon Tum Tây Nguyên.
Bên cạnh việc truyền giáo, các linh mục người Pháp cũng bắt đầu cho xây dựng các cơ sở Thiên Chúa giáo. Đến những năm 70 của thế kỉ XIX, nhà thờ đầu tiên được xây dựng với quy mô khá khiêm tốn với việc sử dụng các vật liệu đơn giản như tre, gỗ. Sau này khi số lượng giáo dân ngày càng đông hơn, linh mục Giuse Decrouille đã quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ lớn vào năm 1913. Công trình được hoàn thành vào năm 1918 với gỗ là vật liệu chính được sử dụng.
Nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn giữ được nét nguyên bản, cổ kính dù đã hơn 100 năm
Ngày 14/01/1932, Giáo phận Kon Tum được thành lập bởi Giáo hoàng PiÔ XI gồm 3 tỉnh Đắk Lắk, Pleiku, Kon Tum và một phần đất liền Attapeu của Lào. Tại đây, linh mục Martial Pierre Marie Jannin Phước được phong làm Giám mục Tông tòa Giáo phận Kon Tum. Đây được xem là giáo phận đầu tiên, lâu đời nhất của Tây Nguyên và cũng là một trong 27 Giáo phận Công giáo Rôma tại Việt Nam. Sau này có sự phân tách tỉnh và các giáo phận, cho đến hiện nay Giáo phận Kon Tum gồm hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai – là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số như: Gia Rai; Ba Na; …
4. “GIẢI PHẪU” KIẾN TRÚC CỔ KÍNH TẠI NHÀ THỜ GỖ KON TUM
Tính đến hiện tại, nhà thờ gỗ Kon Tum được xem là đỉnh cao của sự kết hợp văn hóa phương Tây và bản sắc dân tộc vùng Tây Nguyên, có tuổi đời hơn 100 năm lịch sử. “Đại công trình” này được thiết kế theo lối kiến trúc Roma kết hợp với kiểu nhà sàn của người bản địa Ba Na. Kết cấu từ cột, kèo cho đến mặt sàn nhà tất cả đều được làm từ gỗ tự nhiên, chúng được kết nối với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh, ốc. Không dừng lại ở đó nhà thờ gỗ Kon Tum cũng không sử dụng một chút bê tông, cốt thép hay vôi vữa nào. Từ trần nhà, tường cho đến vách nhà, tất cả được trát bằng loại hỗn hợp pha chế từ đất và rơm theo kiểu truyền thống của người miền Trung Việt Nam. Trong bản tường trình gửi Hội Thừa sai Paris năm 1913, có lời giải thích của Giám mục Đại diện Tông tòa xứ Đông Đàng Trong – Grangeon như sau: “Không thể dùng đá cũng như gạch để xây dựng, chỉ có dùng gỗ mới xây dựng được với chất lượng cao và kiến trúc sư cho biết ngôi nhà thờ trên xứ Ba Na này có dáng dấp ngôi thánh đường chánh tòa”.
Toàn bộ kết cấu của nhà thờ gỗ Kon Tum đều bằng nguyên vật liệu tự nhiên
Nhà thờ chánh tòa Kon Tum được xây dựng với tổng diện tích lên đến 1.200m2, nằm trong một khuôn viên rộng lớn chia thành nhiều hạng mục khác nhau, có thể kể đến như: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm tôn giáo, cô nhi viện, … Nhìn từ bên ngoài, công trình này có hình dạng là một khối nhà cao lớn với gam màu chủ đạo là sẫm đen – vàng, toát lên nét sang trọng vốn có của kiến trúc phương tây và sự thanh bình, yên tĩnh nơi tín ngưỡng linh thiêng. Mặt tiền nhà thờ gỗ Kon Tum là tháp hình chuông 4 tầng cao hơn 20m, nằm chính giữa tạo sự hài hòa và cân đối cho toàn bộ công trình. Mặt bằng của nhà thờ gỗ Kon Tum được thiết kế theo phong cách Basilica truyền thống hình chữ thập của phương Tây với cung Thánh nằm ở ngay trung tâm, phía trước là mái hiên rộng cùng với hành lang hai cánh trải dài được che phủ bởi các mái nhà nhô cao và dốc xuống mang nét đặc trưng của người Ba Na được đỡ chắc chắn bằng hàng cột gỗ tròn.
Hành lang rộng cùng mái nhà đặc trưng của người Ba Na bản địa
Thời gian như ngừng lại khi bước qua cánh cửa gỗ đã trải dài qua năm tháng, chỉ còn lại đó là sự trầm mặc và uy nghi của thánh đường Kon Tum – một kiệt tác kiến trúc hơn 100 năm tuổi. Bên trong thánh đường là hàng cột gỗ cao hơn chục mét, được đặt vững chãi trên chân đế làm bằng đá, vươn lên nâng đỡ toàn bộ mái vòm của công trình. Với cách thiết kế này, thánh đường nhà thờ gỗ Kon Tum không chỉ thể hiện được tất thảy sự bề thế của một đại công trình cổ kính mà còn gợi cảm giác rộng mở không gian về tất cả các phía. Đặc biệt hơn, các hàng cột nhỏ bên trên được kết nối tinh vi và liền mạch với hệ thống kèo gỗ hình vòm một cách tinh tế, duyên dáng và mềm mại giúp cho phía trên thượng tầng của gian thánh đường càng trở nên nguy nga, tráng lệ. Ngồi bên dưới dãy hàng ghế, các tín đồ nhìn lên cung thánh như một sân khấu nổi hình vòm lộng lẫy tạo cảm giác trang nghiêm và cao cả của chốn linh thiêng. Ngoài ra, trên các ô của kính được tô vẽ đầy màu sắc về các điển tích kinh thánh cũng như khung cảnh đời sống của người Tây Nguyên xưa.
Thánh đường Nhà thờ gỗ Kon Tum
Đức mẹ Maria và Chúa Giesu trên cung thánh nhà thờ
Để có thể miêu tả được tất cả các giá trị của thánh đường này, Zoom Travel xin trích dẫn đoạn viết của Đức Giám mục Jeanningros – người làm phép khánh thành nhà thờ gỗ Kon Tum trong thư gửi Hội Thừa sai Paris năm 1918 như sau: “Đây là một tòa nhà rộng rãi và quý giá, được xây dựng bằng danh mộc (gỗ quý)... thay thế cho nhà thờ bằng tranh nứa xưa đã bị hỏa hoạn cách 7 năm về trước bằng ngôi thánh đường đẹp này.”
Bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng trong khuôn viên nhà thờ
>> XEM THÊM: MĂNG ĐEN – NÀNG THƠ CỦA KON TUM
4. KINH NGHIỆM THAM QUAN NHÀ THỜ GỖ KON TUM
Bạn có thể đến với nhà thờ tất cả mọi ngày trong tuần trừ buổi tối. Nhà thờ mở cửa quanh năm cho mọi người, bất kể tôn giáo. Nếu bạn đến nhà thờ gỗ Kon Tum vào những ngày chủ nhật thì sẽ phải đợi sau 9 giờ mới được vào trong nhằm tránh ảnh hưởng đến buổi lễ của đồng bào Công giáo địa phương.
Vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà thờ gỗ Kon Tum khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ sắc màu. Những bông hoa đào, hoa mai được trang trí khéo léo trên cửa sổ cùng với tiếng chuông nhà thờ ngân vang trong không gian, hòa cùng tiếng cười nói rộn ràng của người dân địa phương, tạo nên một bức tranh Tết đầy màu sắc và ý nghĩa. Nếu bạn đến nhà thờ gỗ Kon Tum vào dịp Tết Nguyên Đán thì hãy chuẩn bị cho mình những chiếc áo ấm nhé, vì thời tiết lúc bấy giờ có thể lạnh vào buổi sáng sớm hay về đêm. Ngoài ra, hãy chọn những trang phục đơn giản, kín đáo khi đến với nhà thờ để thể hiện lòng tôn kính đối nhé!
GIỮ CHỖ NGAY: TOUR MĂNG ĐEN - BUÔN MÊ THUỘT - 3N3Đ|TOUR TẾT 2025
TẠM KẾT BÀI VIẾT
Dưới ánh nắng vàng rực rỡ của cao nguyên, nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn đứng đó, vẫn trầm mặc và uy nghi như một minh chứng cho lịch sử và đức tin. Hơn 100 năm trôi qua, nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân Kon Tum, một biểu tượng văn hóa độc đáo và một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.