Du lịch tâm linh ở chùa Chén Kiểu Sóc Trăng
Chùa Chén Kiểu Sóc Trăng là một điểm đến tâm linh nổi tiếng ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Ngôi chùa thu hút các du khách gần xa bởi những bức tường được trang trí bằng các mảnh chén, dĩa, tạo nên những họa tiết độc đáo và tinh tế. Những mảnh chén, dĩa không chỉ làm cho ngôi chùa trở nên lạ mắt mà còn mang theo những giá trị lịch sử và ý nghĩa sâu sắc. Hãy cùng khám phá những câu chuyện ẩn sau vẻ đẹp của ngôi chùa nhé!
Vài nét về chùa Chén Kiểu Sóc Trăng
Chùa Chén Kiểu thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng , nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 theo phong cách Angkor Khmer. Trong thời kỳ chiến tranh, chùa bị bom đạn phá hủy nặng nề. Cho đến năm 1969, dưới thời của trụ trì thứ 9, sư cả Tăng Đuch, ngôi chùa đã được tái dựng bằng các vật liệu kiên cố.
Đến năm 1980, công việc xây dựng cơ bản đã gần hoàn thành. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nhà chùa đã đưa ra một sáng kiến độc đáo là dùng những chiếc chén, dĩa, sành sứ do người dân quyên góp ốp lên bức tường để trang trí ngôi chùa. Và cũng từ đó, tên chùa Chén Kiểu ra đời. Ngoài cái tên chùa Chén Kiểu, chùa còn có tên gọi là chùa Sà Lôn (theo tiếng Khmer) "Sro Loun" có nguồn gốc từ "Chro Luong" là tên của một con rạch chạy gần chùa.
Chùa Chén Kiểu độc đáo ở Sóc Trăng
Đây cũng là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông Khmer. Vào năm 2012 ngôi chùa được xếp vào hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, chùa là một điểm du lịch hấp dẫn mà bạn nên đến thăm ít nhất một lần khi đến với Sóc Trăng.
Cách di chuyển đến ngôi chùa
-
Xe khách: Bạn bắt đầu xuất phát từ bến xe miền Tây hoặc các trạm xe trên đường Lê Hồng Phong. Bạn mua vé chọn điểm đến là bến xe Sóc Trăng nằm gần ngay trung tâm thành phố. Chi phí hành trình khoảng 130.000 đồng/người với tổng thời gian hành trình 5 giờ đồng hồ.
-
Xe máy: Phương tiện di chuyển này thì dành cho các phượt thủ. Sử dụng phương tiện này vừa tiết kiệm lại vừa được ngắm cảnh và hóng gió mát. Bạn hãy theo tuyến Quốc Lộ 1A, sau đó chạy qua Long An. Tiếp đến di chuyển qua Vĩnh Long, rồi đến Cần Thơ là đến thành phố Sóc Trăng.
Di chuyển đến chùa dễ dàng bằng xe bus hoặc taxi
Những nét độc đáo của chùa Chén Kiểu Sóc Trăng
Cổng tam quan của chùa Chén Kiểu
Khi bước vào khuôn viên chùa, nơi đón tiếp du khách đầu tiên là cổng tam quan. Cổng có ba ngôi tháp được chạm khắc hoa văn và sơn màu rực rỡ kiểu Angkor Khmer. Tháp giữa cao nhất và có lồng kính bên trong, tôn trí một pho tượng phật ngồi uy nghi. Màu chủ đạo của cổng tam quan là màu đỏ cam thể hiện cho sự tinh túy và tôn nghiêm.
Cổng tam quan của chùa Chén Kiểu
Ngay trước cổng tam quan chùa Chén Kiểu có hai tượng sư tử đá được đặt trên bệ cao, hướng ra đường. Ý nghĩa của hai con sư tử này là bảo vệ ngôi chùa khỏi những điều xấu xa và mang lại may mắn, bình an cho những ai viếng chùa. Cuối cùng là trên thành cổng có dòng chữ Khmer và quốc ngữ: “Chùa Sà Lôn (Chén Kiểu)”.
Không gian xanh ở khuôn viên chùa Chén Kiểu
Có thể nói khuôn viên chùa chén kiểu không chỉ là nơi thể hiện sự phong phú và đa dạng văn hóa, nghệ thuật kiến trúc người Khmer, mà nó còn là nơi mang lại cho du khách một không gian xanh yên bình. Khuôn viên của chùa rộng khoảng 2 ha và được bao bọc bởi hàng cây xanh cao vút, tạo ra một không gian trong lành và mát mẻ.
Không gian mát mẻ và trong lành
Những loài hoa ở đây nở rộ quanh năm với đa dạng màu sắc, điểm thêm sự tươi mát, thanh bình cho ngôi chùa. Cùng với đó những âm thanh líu lo của những chú chim nhỏ trong khuôn viên chùa. Tất cả những điều này tạo ra một khung cảnh đẹp thanh tịnh và an lạc, một nơi thiền định mà hiếm ngôi chùa nào có được.
Một góc vườn hoa đủ sắc màu tại chùa
Giữa sân chùa Chén Kiểu là cột cờ, với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi Đức Phật tọa thiền. Phía sau chùa là khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của Đức Phật Thích Ca.
Khu vườn mô phỏng nơi tượng Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn
Dọc lối vào chùa là hai hàng tượng thần Kâyno (kerno), là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara - biểu tượng cho sắc đẹp vĩnh hằng và thân hình chim thần Garuda - biểu tượng cho sức mạnh. Những bức tượng này tôn thêm sự uy nghiêm và trang trọng cho ngôi chùa. Xung quanh chùa còn có các tường rào trang trí hình tượng tiên nữ Apsara đang múa, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng.
Những bức tượng thần Kâyno
Chánh điện - Tòa nhà đẹp và ý nghĩa tại Chùa Chén Kiểu
Chánh điện là nơi thờ cúng chính, là công trình lớn nhất và đẹp nhất của chùa. Mái chánh điện được xây dựng theo dạng tam cấp, tức là có ba nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần lên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, trung tâm có đỉnh nhọn cao vút lên.
Trên mái treo nhiều chuông, quả cầu phản chiếu ánh sáng rực rỡ. Các bức tường, cột, mái che của chánh điện đều được trang trí bằng những chiếc chén, dĩa, sành sứ một cách khéo léo và sáng tạo. Những chiếc chén mới sẽ được ốp trực tiếp lên tường, hay làm thành tay vịn cầu thang. Đối với chiếc chén đã vỡ hay sứt mẻ thì được sắp xếp và ghép thành hoa văn trang trí độc đáo.
Chánh điện là nơi đẹp nhất chùa Chén Kiểu
Những chiếc chén này không chỉ là tác phẩm đẹp mắt mà còn thể hiện sự tín nhiệm, gắn bó sâu sắc của người dân với chùa trong giai đoạn khó khăn nhất. Bởi những chiếc chén này chính là được quyên góp từ bà con phật tử trong phum, sóc khi chùa thiếu kinh phí xây dựng.
Tòa nhà được trang trí bằng chén, dĩa
Bên trong chánh điện có một bàn thờ chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Khoảng 20 tượng phật được đặt ở đây, trong đó có các tượng lớn, nhỏ và đứng, ngồi nhiều tư thế khác nhau, các tượng Phật đều hướng về hướng Đông để ban phúc. Trong số các tượng phật này, có ba tượng được tôn trí trên bàn thờ riêng là Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Di Lặc và Phật A Di Đà. Mỗi bức tượng mang một ý nghĩa khác nhau:
-
Phật Thích Ca Mâu Ni là vị phật chính của Phật giáo, là người đã đạt đến trạng thái giác ngộ và giảng dạy đạo lý cho muôn loài.
-
Phật Di Lặc là vị phật của sự vui vẻ và hạnh phúc, là người đã từ bỏ mọi tham lam và ái dục để sống trong niềm an lạc.
-
Phật A Di Đà là vị phật của sự bất tử và cứu độ, là người đã tạo ra một cõi Phật tên là Tây Phương Cực Lạc để đón nhận những chúng sinh có duyên phước.
Bên trong là nơi thờ tự Phật Thích Ca
Trên tường của chánh điện còn có những bức tranh kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra đến khi đắc đạo. Những bức tranh này không chỉ làm cho chánh điện thêm phần sinh động và nghệ thuật, mà còn làm cho người xem có thêm những hiểu biết và cảm nhận về lịch sử, văn hóa và tôn giáo của người Khmer.
>>> Xem thêm: Review chi tiết Thiền Viện Trúc Lâm Sóc Trăng mới nhất [2023]
Những lưu ý khi tham quan chùa Chén Kiểu Sóc Trăng
-
Nên chọn trang phục đơn giản, kín đáo và lịch sự
-
Không hái hoa trong chùa
-
Không chạm vào các kỷ vật trong chùa khi chưa được sự cho phép
-
Chùa Chén Kiểu Sóc Trăng thuộc Phật giáo Nam Tông nên nét văn hóa ẩm thực khác biệt với Phật giáo Bắc Tông, vì thế bạn đừng bất ngờ khi thấy nhà sư ăn mặn nhé.
Check - in tại chùa Chén Kiểu Sóc Trăng
Hãy dành thời gian để thăm viếng, khám phá nét đẹp và những câu chuyện tâm linh tại chùa Chén Kiểu Sóc Trăng. Đồng hành cùng Zoom Travel trong Tour Cha Diệp - Mẹ Nam Hải 1N1Đ và tận hưởng những ưu đãi độc quyền từ chúng tôi.