CHÙA SẮC TỨ KHẢI ĐOAN: KHÁM PHÁ NGÔI CHÙA CUỐI CÙNG ĐƯỢC BAN SẮC PHONG DƯỚI THỜI VUA BẢO ĐẠI
Ẩn mình giữa phố núi Buôn Ma Thuột, chùa Sắc Tứ Khải Đoan không chỉ là một chốn tâm linh thanh tịnh mà còn là nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử đầy thú vị. Bước qua cánh cổng tam quan cổ kính, bạn như ngược dòng thời gian, trở về với một thời kỳ vàng son của triều đại cuối cùng tại Việt Nam. Từng mái ngói, bức tường nơi đây đều phảng phất dấu ấn của thời gian, gắn liền với vị Hoàng Thái Hậu tôn kính và danh xưng Sắc Tứ đầy tự hào. Bạn có muốn khám phá bí mật ẩn sau cái tên chùa Sắc Tứ Khải Đoan và đắm chìm trong không gian Phật giáo linh thiêng? Hãy để Zoom Travel dẫn lối cho bạn trong hành trình tìm về miền an yên này!"
1. Chùa Sắc tứ là gì
Theo tiếng Hán Nôm, chữ “Sắc” 敕 được hiểu với ý nghĩa là chiếu mệnh, chỉ dụ, sắc lệnh của vua chúa, tức “Sắc tứ” 敕賜 là chữ của vua chúa và chỉ có vua chúa mới được phép dùng cụm từ này. Bên cạnh đó, “tứ” 賜 mang hàm ý nghĩa là ban cấp, ban cho và chữ “tứ” cũng đồng nghĩa với chữ tích nằm trong trường ý nghĩa “những gì của vua chúa, triều đình ban thưởng ban cấp xuống dưới” thường được bắt gặp trong các cụm từ như “tứ yến” tức là vua chúa ban cho bề tôi cùng dùng yến tiệc.
Thông qua đó, ta có thể phần nào hiểu được chùa Sắc Tứ là những ngôi chùa được vua ban sắc phong và thường được ban cho một tấm biển (sơn son thếp vàng) có đề tên chùa và năm tháng lập chùa, cùng với một số đặc quyền nhất định. Đây là một truyền thống lâu đời của các triều đại phong kiến nước ta, bắt đầu từ thời nhà Lý và kéo dài đến triều Nguyễn.
2. Lịch sử hình thành chùa Sắc tứ Khải Đoan
Chùa Sắc tứ Khải Đoan bắt đầu khởi công và xây dựng vào năm 1951 theo lệnh của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Hoàng Thị Cúc – bà là chính phi của vua Khải Định và là thân mẫu của vua Bảo Đại. Mục đích xây dựng ngôi chùa này để cho bà cúng hiến và “Khải Đoan” là 2 chữ đầu trong tên của vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.
Tượng phật Thích Ca bằng đá trắng đặt phía trên sảnh
2 năm sau đó, nhân dịp ngày lễ an vị lạc thành nhà Hậu Tổ, chùa được sắc phong là “Sắc tứ Khải Đoan” dưới thời vua Bảo Đại. Mặc dù vào thời điểm bấy giờ, thời đại phong kiến hay cụ thể hơn là triều Nguyễn đã kết thúc khá lâu trước đó nhưng vua Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng của một nước nên chùa Khải Đoan được xem là ngôi chùa cuối cùng được Sắc tứ. Bên cạnh đó, ngôi chùa này còn được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như Chùa Lớn, Chùa Tỉnh hội, Chùa Khải Đoan hay đầy đủ hơn Chùa Sắc tứ Khải Đoan.
3. Ý nghĩa của chùa Khải Đoan
Khác với một số ngôi chùa được Sắc tứ khác, chùa Sắc tứ Khải Đoan được ban sắc phong không phải vì lập được công danh hiển hách theo cách hiểu thông thường, mà chủ yếu là do sự phát tâm của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Chùa Sắc Tứ Khải Đoan mang ý nghĩa tiên phong trong việc phát triển Phật giáo ở Tây Nguyên cùng tên gọi đặc biệt và sự nỗ lực của chư tăng, Phật tử. Việc ban sắc phong là sự ghi nhận, khích lệ và bảo trợ của triều đình nhà Nguyễn đối với sự phát triển Phật giáo tại vùng đất Tây Nguyên.
4. Địa chỉ và giờ mở cửa chùa Sắc tứ Khải Đoan
Chùa Sắc tứ Khải Đoan tọa lạc tại địa chỉ: 117 đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Mê Thuột tỉnh Đắk Lắk. Mở cửa từ 8h sáng đến 6h chiều.
THAM KHẢO:
5. Kiến trúc của chùa Sắc tứ Khải Đoan có gì đặc biệt
5.1 Nét đẹp cổ kính hơn bảy thập kỉ giữa đất Buôn Mê
Như một viên ngọc kiến trúc độc đáo giữa lòng Buôn Ma Thuột, Chùa Sắc tứ Khải Đoan không chỉ là nơi tu hành thanh tĩnh mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngôi chùa này là sự giao thoa tinh tế giữa nét uy nghi của cung đình Huế, sự phóng khoáng của nhà sàn Tây Nguyên và vẻ đẹp truyền thống của nhà dài Ê Đê. Các gian chùa nối tiếp nhau, rộng lớn và vững chãi, tạo nên một tổng thể kiến trúc đồ sộ nhưng không hề nặng nề mà toát lên vẻ trầm mặc, uy nghi giữa đất trời cao nguyên.
Hoa văn trên những mái ngói của ngôi chùa
Chùa Sắc tứ Khải Đoan được xây dựng chủ yếu bằng gỗ kết hợp cùng với tông màu nâu trầm ấm, càng tôn lên vẻ cổ kính và thiêng liêng của nơi cửa Phật từ bi. Những đường nét chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ trên từng bức tường, cột gỗ không chỉ thể hiện tài hoa của người thợ mà còn ẩn chứa những câu chuyện văn hóa sâu sắc. Đứng trước ngôi chùa, ta như lạc vào một không gian xưa cũ, nơi thời gian dường như ngừng trôi, và cảm nhận được sự giao thoa hài hòa giữa kiến trúc, thiên nhiên và lịch sử, một nét đẹp khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
5.2 Một số hình ảnh kiến trúc chùa Sắc tứ Khải Đoan
Sở hữu tổng diện tích lên đến 320m2 , chùa Sắc tứ Khải Đoan có lối kiến trúc chữ Tam với ba khu vực chính gồm:
1. Khu vực Cổng chùa – Cổng Tam Quan
Cổng chùa Sắc tứ Khải Đoan
2. Khu thờ Chánh Điện
Cấu trúc 2 tầng tại Chánh Điện tại chùa Sắc tứ Khải Đoan
Bên phải của Chánh Điện là “Tàng Kinh Các”
Đại hồng chung tại chùa Sắc tứ Khải Đoan cao 1,15m; chu vi đáy 2,7m và nặng lên đến 380kg
3. Nhà Hậu Tổ
Nhà Hậu Tổ là nơi để di ảnh những vị hòa thượng trụ trì cũng như những vị cao tăng có nhiều đóng góp cho Phật giáo ở Tây Nguyên
Ngoài ra, các dãy hành lang, vách, cửa gỗ xung quanh chánh điện và những khu thờ cúng được chạm khắc đầy công phu, thẩm mỹ và tinh tế chính xác đến từng chi tiết nhỏ với các hình ảnh Đức Phật, La Hán, Bồ Tát uy nghiêm đang trấn giữ tại các lối đi tại hành lang mang đến cho con người ta một cảm giác an toàn, như được che chở bởi các vị chư phật từ bi phổ độ.
Hình ảnh chư vị Bồ Tát, La Hán trấn giữ tại các hành lang
6. Thắng cảnh hàng đầu gần chùa Sắc tứ Khải Đoan
- Thác Dray Nur: ngắm nhìn một trong những con thác hùng vĩ nhất ở vùng Tây Nguyên Đắk Lắk, nằm trên dòng sông Sêrêpôk và cách chùa Sắc tứ Khải Đoan khoảng 26Km.
- Bảo Tàng Thế giới cà phê: một thiên đường dành cho những tín đồ si mê loại thức uống đa tầng hương, vị này. Vì chỉ cách nhau chỉ 2,5Km bạn có thể đi lộ trình từ chùa Khải Đoan di chuyển theo hướng Mạc Thị Bưởi rẽ phải theo đường Nguyễn Thị Minh Khai >> đi thẳng tới ngã ba và rẽ trái theo đường Phan Chu Trinh >> rẽ trái đi theo đường Nguyễn Đình Chiểu là tới nơi.
- Buôn Ako Dhong: một điểm đến khác rất gần Bảo tàng thế giới cà phê và Chùa Khải Đoan chưa đến 1Km, Buôn Ako Dhong hay còn gọi là Buôn Cô Thôn, bạn sẽ có cảm giác được tận hưởng những điều bình yên nhất từ không gian yên bình, êm đềm đến cảnh sắc nhẹ nhàng, tuyệt mĩ.
- Khu du lịch Ko Tam: bạn sẽ phải di chuyển khoảng 9Km từ chùa Khải Đoan để có thể khám phá khu trung tâm có diện tích 13ha và Khu liên kết cộng đồng với đồng bào các buôn xã EaTu. Bạn sẽ được tự do tham quan nhà dài của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, ngắm nhìn những tác phẩm gỗ đậm chất Tây Nguyên.
7. Kinh nghiệm tham quan chùa Sắc tứ Khải Đoan
- Trang phục: Ăn mặc lịch sự, kín đáo khi vào chùa. Nên chọn trang phục dài tay, quần dài qua gối. Tránh mặc quần áo quá ngắn, hở hang, phản cảm.
- Giữ gìn trật tự: Đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn vệ sinh chung trong khuôn viên chùa. Không chen lấn, xô đẩy, đặc biệt là vào những dịp lễ hội đông người.
- Lễ Phật: Nếu bạn muốn dâng hương, hãy chuẩn bị lễ vật đơn giản như hoa quả, bánh trái. Chú ý thắp hương đúng nơi quy định, không cắm hương bừa bãi lên các tượng Phật hay các đồ vật trong chùa.
- Chụp ảnh: Nên xin phép trước khi chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh các sư thầy. Tránh chụp ảnh ở những nơi có biển cấm.
- Thời điểm tham quan: Chùa mở cửa quanh năm, nhưng nếu bạn muốn trải nghiệm không khí lễ hội đặc sắc, hãy đến vào các dịp lễ lớn như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán, chùa Sắc Tứ Khải Đoan thường tổ chức nhiều hoạt động tâm linh ý nghĩa, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến du xuân, cầu bình an.
- Tìm hiểu thông tin: Trước khi đến, bạn nên tìm hiểu trước thông tin về lịch sử, kiến trúc và ý nghĩa của chùa để có thể cảm nhận trọn vẹn hơn vẻ đẹp và giá trị của ngôi chùa cổ kính này.
TẠM KẾT BÀI VIẾT
Hành trình khám phá chùa Sắc Tứ Khải Đoan không chỉ là một chuyến du lịch tâm linh đơn thuần, mà còn là cuộc hành trình ngược về quá khứ, để cảm nhận trọn vẹn nét đẹp văn hóa và chiều sâu lịch sử của vùng đất Tây Nguyên Buôn Mê Thuột. Mỗi góc chùa, mỗi bức tượng, mỗi tiếng chuông ngân vang đều chứa đựng những câu chuyện thiêng liêng, chờ đợi bạn đến lắng nghe và chiêm nghiệm. Hãy để Zoom Travel đồng hành cùng bạn, mở ra cánh cửa đến những vùng đất mới trên mọi miền Tổ Quốc!