CHÙA LINH SƠN PHÚ QUÝ: CỔ TỰ TRĂM TUỔI CÔ ĐỘC GIỮA TRÙNG DƯƠNG BAO LA
Bạn đã nghe đến danh tiếng của chùa Linh Sơn Phú Quý, ngôi cổ tự hơn trăm tuổi sừng sững giữa trùng dương bao la chưa? Nằm trên đỉnh núi Cao Cát hùng vĩ, chùa Linh Sơn Phú Quý không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Hãy tạm gác lại những bộn bề cuộc sống, cùng Zoom Travel xách ba lô lên và khám phá ngôi chùa độc đáo này. Chắc chắn rằng, hành trình đến với đảo ngọc Phú Quý và viếng thăm ngôi chùa cổ kính này sẽ để lại trong bạn những dấu ấn khó phai!
1. Chùa Linh Sơn Phú Quý nằm ở đâu
Chùa Linh Sơn nằm ngay trên Đảo Phú Quý thuộc xã Ngũ Phụng, tỉnh Bình Thuận, nằm cách Ủy ban nhân dân xã Long Hải 1Km về hướng Tây Nam và cách Ủy ban nhân dân huyện cảng Phú Quý khoảng 4Km về hướng Đông Bắc. Chùa Linh Sơn Phú Quý tọa lạc trên con đường dẫn đến đỉnh núi Cao Cát – với độ cao hơn 60m so với mực nước biển, vì có vị trí điểm cao nên du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh đảo Phú Quý.
Chùa Linh Sơn tọa lạc trên sườn núi Cao Cát
Cách để đi đến Chùa Linh Sơn Phú Quý
Đảo Phú Quý hay Cù Lao Thu thuộc tỉnh Bình Thuận, vì vậy để đến với Chùa Linh Sơn Phú Quý dễ nhất thì trước hết bạn phải đến với TP. Phan Thiết, xem ngay tại đây. Đảo Phú Quý cách đất liền Phan Thiết khoảng 150Km tương đương với 56 hải lý, di chuyển mất khoảng 2 tiếng. Vì Đảo Phú Quý có diện tích không quá lớn, bạn có thể hỏi thăm và tìm đến chân núi Cao Cát để có thể hành hương lên Chùa Linh Sơn một cách dễ dàng.
*Lưu ý: bạn chỉ có thể di chuyển từ TP. Phan Thiết đến với Đảo Phú Quý bằng tàu thủy cao tốc.
2. Lịch sử hình thành Chùa Linh Sơn Phú Quý
Chùa Linh Sơn ban đầu chỉ là một am nhỏ làm bằng lá cây và được lập nên bởi sư cô Trần Thị Tấn (sinh năm 1836) vào năm 1866 dưới thời vua Tự Đức. Vì tình duyên lận đận, số phận gặp nhiều trắc trở khi còn trẻ tuổi, cố sư cố Trần Thị Tấn đã lên núi dựng am, ngày ngày tụng kinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mang đến bình an cho người dân tại đảo Phú Quý. Sau này, người dân biết được và cảm thương cho số phận người phụ nữ nên họ đã góp sức tu sửa cái am nhỏ ấy ngày một khang trang hơn.
Chùa Linh Sơn Phú Quý đã tồn tại gần 160 năm
Gần 50 năm sau đó, năm 1913 ngôi chùa được đổi tên thành “Linh Sơn Thanh long cổ tự”, được làm lại từ nhà lá sang nhà đá, mái ngói kiên cố hơn dưới sự giúp đỡ của hương chức trong làng, từ đây Chùa Linh Sơn Phú Quý mới có chánh điện, mới có tượng Phật, tượng Quan Âm và cấp bậc cầu thang bằng đá như bây giờ. Xuyên suốt hơn 7 lần trùng tu sửa chữa, lần gần nhất vào năm 1992 là lần trùng tu lớn nhất, kéo dài lên đến 4 năm mới xong.
Tại sao Chùa Linh Sơn Phú Quý không nam giới, không trụ trì?
Mặc dù đã có lịch sử hình thành và tồn tại đến nay gần 160 năm, nhưng Chùa Linh Sơn Phú Quý hiện nay không có trụ trì, thay vào đó các phật tử sẽ phát tâm cúng lễ, tự mình đón tiếp du khách đến tham quan, vãn cảnh hay hành hương. Bên cạnh đó, điều đặc biệt hơn hết Chùa Linh Sơn Phú Quý không có sư nam, nói đúng hơn là đã từng có sư nam đến đây nhưng không thể gắn bó lâu dài. Một nữ phật tử tại Chùa Linh Sơn Phú Quý cho biết thêm nơi đây chưa từng có trụ trì nam giới làm được hơn 1 năm, có những giai đoạn nơi đây từng được 3 – 4 trụ trì nam được Giáo hội Phật giáo cử đến nhưng chưa tới 1 năm là phải rời đi vì sức khỏe ngày càng suy kiệt nhưng sau khi đến nơi khác thì họ bắt đầu khỏe mạnh trở lại. Nhiều người truyền tai nhau, vì cố sư cô Trần Thị Tấn gặp trắc trở trong chuyện tình duyên nên nơi đây phù hợp với các sư, trụ trì là nam giới.
3. Thời điểm lý tưởng để đến với Chùa Linh Sơn Phú Quý
Trong khoảng từ cuối tháng 12 đến tháng 4 năm sau là thời điểm lý tưởng để bạn ghé thăm Chùa Linh Sơn Phú Quý khi thời tiết bây giờ khá dịu, nắng đẹp ít mưa, sóng biển khá yên ắng. Đặc biệt hơn, nếu du khách đến với Đảo Phú Quý vào mùa xuân, dịp Tết Nguyên Đán Âm Lịch thì bạn sẽ có cơ hội để hòa mình vào cái Tết của người dân trên đảo, cảm nhận rõ nét văn hóa địa phương độc đáo và ấm áp. Bạn sẽ được chứng kiến những phong tục, tập quán đón Tết truyền thống, tham gia các lễ hội sôi động và thưởng thức những món ăn đặc sản chỉ có trong dịp đặc biệt này, chắc chắn để lại những kỉ niệm khó quên.
4. Khám phá kiến trúc độc đáo của Chùa Linh Sơn Phú Quý
Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và nâng cấp, tổng thể kiến trúc của Chùa Linh Sơn Đảo Phú Quý nhìn chung khá khang trang, bề thế và mang đậm những giá trị, tinh thần của văn hóa Phật Giáo gồm: Cổng Chính, Chánh Điện, nhà Tăng, nhà Khách, hệ thống bậc cầu thang bằng đá và một số hạng mục nhỏ khác.
4.1 Khu vực Cổng chính chùa Linh Sơn
Cổng chính của chùa Linh Sơn Phú Quý tọa lạc uy nghiêm bên sườn Tây Bắc của ngọn núi Cao Cát, dẫn lối cho du khách bước vào chốn linh thiêng. Để đến được cổng, du khách phải men theo con đường với mấy chục bậc thang từ chân núi, vừa đi vừa cảm nhận sự thử thách chinh phục độ cao, đồng thời chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, mộc mạc. Cây cỏ dại mọc hai bên lối đi, mang đến cảm giác an lạc giữa núi rừng, tạo nên một sức hút khó cưỡng. Điểm nhấn nổi bật tại cổng chính chùa Linh Sơn Phú Quý là đôi câu đối được đắp nổi trên trụ cổng, thể hiện đậm nét giá trị Phật giáo:
靈山一會儼然相非是相
高閣百層屹立生即無生
Phiên âm:
“Linh Sơn nhất hội, nghiễm nhiên tướng phi thị tướng
Cao Các bách tằng, ngật lập sinh tức vô sinh”
Tạm dịch:
“Linh Sơn một hội, dáng trang nghiêm tướng không là tướng
Cao Cát trăm bậc, đứng đơn độc sinh nhưng chẳng sinh.”
Câu đối này không chỉ ca ngợi vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính của ngôi chùa và ngọn núi Cao Cát sừng sững, mà còn ẩn chứa triết lý sâu xa của nhà Phật về “tướng” và “vô tướng”, về “sinh” và “vô sinh”, khơi gợi trong lòng người lữ khách những suy tư về cõi nhân sinh và hành trình tìm về bản ngã. Chính vì vậy cổng chùa Linh Sơn Phú Quý không chỉ là lối vào đơn thuần, mà còn là cánh cửa mở ra thế giới tâm linh, nơi con người tìm thấy sự thanh tịnh và giác ngộ.
Cầu thang dẫn đường lên Cổng chính của Chùa Linh Sơn
4.2 Khu vực Chánh điện
Qua khỏi cổng chính, men theo thêm một số bậc thang, chúng ta sẽ đến với khu vực chánh điện uy nghiêm của chùa Linh Sơn Phú Quý. Ngôi chánh điện với diện tích 110m2 hiện lên như một tòa tháp cổ kính, nổi bật với kiến trúc ba tầng mái chồng xếp tinh tế. Tầng mái dưới cùng tỏa rộng, càng lên cao càng thu nhỏ dần, tạo nên một dáng vẻ thanh thoát mà vững chãi. Mỗi tầng mái được lợp ngói âm dương theo dạng bốn mái, các góc mái vuốt cong hình tàu đao mềm mại, điểm xuyết thêm các phù điêu giao long và hoa sen tinh xảo. Tầng đỉnh mô phỏng hình nón lá, trên đỉnh đắp nổi một đóa sen đang nở rộ, vừa mang nét truyền thống, vừa tô điểm thêm vẻ đẹp lộng lẫy, trang nghiêm cho ngôi chùa.
Tòa tháp tại Chùa Linh Sơn Phú Quý
Bước vào bên trong chánh điện chùa Linh Sơn Phú Quý, một không gian đậm dấu ấn Phật giáo mở ra trước mắt. Hệ thống câu đối chữ Hán Nôm được trang trí, đắp nổi khắp nơi, thể hiện lòng thành kính của tín đồ, ca ngợi đức hạnh của Phật và khuyên răn con người tu tâm dưỡng tính, tích đức làm điều thiện. Những hàng cột nâng đỡ tầng mái được đắp nổi hình rồng quấn quanh thân, càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm cho nơi thờ tự. Nổi bật giữa chánh điện là điện thờ Phật, đặt ở vị trí trung tâm, tôn trí tượng Thích Ca Mâu Ni cao 2m ngồi trên tòa sen. Hai bên là các pho tượng khác, trong đó có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát với 18 tay trong tư thế ngồi thiền, toát lên vẻ từ bi hỷ xả. Bên phải điện thờ Phật thờ Quan Thế Âm, bên trái thờ Địa Tạng, thể hiện tinh thần cứu khổ cứu nạn và phổ độ chúng sinh của nhà Phật. Phía sau điện thờ Phật, đối lưng lại là năm khám thờ Tổ Đạt Ma, Quan Thánh Đế Quân và bài vị các Nhà sư có công khai lập, trông nom, gìn giữ chùa. Phía trước điện thờ Phật là am nhỏ thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, bên trái là nhà Tăng, bên phải là nhà Khách và phía sau là nhà Khói, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa, mang đậm dấu ấn tâm linh của chùa Linh Sơn Phú Quý.
Ngắm nhìn toàn cảnh Đảo Phú Quý trên đỉnh núi Cao Cát
Sau khi hành hương, dâng lễ tại Chùa Linh Sơn thì bạn đừng quên tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh núi Cao Cát để chiêm ngưỡng tượng mẹ Quan Thế Âm ngự thiền trên tòa sen được đặt trên bệ đá khổng lồ. Đây không chỉ là công trình điểm nhấn đặc sắc mà còn là biểu tượng, điểm tựa tinh thần cho ngư dân, cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu bình an cho đồng bào trên đảo.
Tượng Mẹ Quan Thế Âm ngự thiền trên tòa sen tại đỉnh núi Cao Cát
Từ đỉnh Cao Cát linh thiêng, phóng tầm mắt ra xa, chùa Linh Sơn Phú Quý hiện lên như một nét chấm phá giữa bức tranh sơn thủy hữu tình. Biển trời bao la hòa quyện, làng mạc, phố xá nối dài tít tắp, thuyền bè như những chiếc lá dập dìu trên sóng nước xanh biếc, cảng biển tấp nập như một xã hội thu nhỏ. Đẹp nhất là vào buổi sớm mai, khi nắng vàng ươm rót mật xuống nhân gian, tiếng chim hót líu lo hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào, quyện trong tiếng chuông chùa ngân nga, tạo nên một bản hòa ca thanh bình, xao xuyến lòng người. Rồi khi hoàng hôn buông xuống, sắc đỏ rực rỡ nhuộm tím cả chân trời, cũng là lúc tiếng chuông chùa ngân vang như lời tiễn biệt, níu chân người lữ khách. Ai nấy đều bâng khuâng, tiếc nuối vì chưa kịp khám phá hết vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của ngôi chùa cổ kính nép mình vào vách đá, chưa kịp chiêm ngưỡng những phiến đá kỳ lạ được thiên nhiên chạm khắc qua năm tháng. Chùa Linh Sơn Phú Quý, vì thế, không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ những khoảnh khắc diệu kỳ của tạo hóa, khiến ai đã từng đặt chân đến đều muốn quay trở lại thêm nhiều lần nữa.
Toàn cảnh Đảo Phú Quý tại đỉnh núi
5. Những điểm đến khác tại đảo Phú Quý
- Khám Phá Cột Cờ Phú Quý Hùng Vĩ – Điểm Đến Tuyệt Vời Của Phú Quý
- Bảo Tàng Cá Voi: Hòa mình vào thiên nhiên và di sản biển cả
- Mũi Dinh Thầy Phú Quý, khám phá bí ẩn tâm linh nơi đảo ngọc
- Hải Đăng Phú Quý: Nơi ngọn đuốc Bác soi đường dẫn lối
- Phong Điện Phú Quý - Những chiếc chong chóng tre giữa trùng khơi biển cả
TẠM KẾT BÀI VIẾT
Chùa Linh Sơn Phú Quý với lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch đảo Phú Quý. Nơi đây không chỉ mang đến cho du khách sự bình yên trong tâm hồn mà còn là cơ hội để khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Hãy để Zoom Travel đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm về chốn linh thiêng, giữa biển trời bao la này nhé!