THẠCH ĐỘNG HÀ TIÊN: KHÁM PHÁ NHỮNG BÍ ẨN TẠI THIÊN ĐƯỜNG NƠI HẠ GIỚI
Thạch Động – một trong “Hà Tiên thập cảnh” mang trong mình vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa hùng vĩ xen lẫn cảm giác huyền bí với những câu chuyện truyền tai đầy bí ẩn. Đặc biệt vào mùa xuân, nơi đây còn tràn ngập màu sắc rực rỡ của thiên nhiên tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nào, hãy cùng Zoom Travel leo lên Tour Phú Quốc khám phá những bí ẩn ẩn chứa trong lòng Thạch Động qua bài viết dưới đây.
1. Thạch Động ở đâu
Thạch Động là một khối đá vôi dựng đứng với chiều cao khoảng 50m, tọa lạc tại xã Mỹ Đức, nằm cách trung tâm Thành phố Hà Tiên khoảng 4km về phía Tây Bắc và cách biên giới Campuchia chỉ khoảng 3 km. Hang động này còn có tên khác là Thạch Động Thôn Vân mang ý nghĩa là động đá nuốt mây, được đặt bởi danh thần đời chúa Nguyễn – Mạc Thiên Tích, khi mỗi sáng ông thấy những đám mây bay là là qua đỉnh núi thì bị giữ lại trước miệng động, từ từ tỏa ra xung quanh và biến mất.
Thạch Động Thôn Vân
Đứng từ xa tại quốc lộ 80 ngước nhìn về phía Thạch Động sừng sững, du khách tưởng chừng như chứng kiến một vị tướng oai phong, bất khuất đầu tựa đất chống trời, hướng mặt nhìn về phía biển xa bao la. Còn nếu từ vị trí biên giới nhìn lại, nơi đây như một bức tranh sơn thủy hữu tình với màu xanh mướt của rừng cây bao phủ, những ngôi nhà dân dã ẩn mình dưới chân núi, xa xa là cánh đồng lúa chín vàng óng ả, điểm xuyết vài cây thốt nốt vươn cao, tất cả tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, bình yên đến nao lòng – một vẻ đẹp của xứ Hà Tiên, một vẻ đẹp của “thiên đường nơi hạ giới”.
2. Truyền thuyết liên quan đến Thạch Động Hà Tiên
Truyền thuyết về Thạch Động vang vọng từ đời này sang đời khác, như một lời thì thầm bí ẩn. Người ta kể rằng, chim Đại Bàng tinh hung ác đã giam giữ công chúa Quỳnh Nga và công chúa Thuỷ Tề trong hang động tối tăm ấy. Thạch Sanh, với lòng dũng cảm phi thường, đã theo dấu máu của đại bàng, đến đây để giải cứu.
Từ thời ông Mạc Thiên Tích, một vài người theo lệnh khám phá hang động, nhưng chỉ nghe thấy tiếng sóng biển vọng về, không thấy lối ra. Con đường ấy, liệu có phải là lối đi xuống biển, đến thủy cung, nơi Thạch Sanh gặp vua Thuỷ Tề? Hay đó chỉ là một bí ẩn chưa được giải đáp? Câu chuyện về Thạch Sanh và những lời đồn về hang động như hai mảnh ghép chưa hoàn chỉnh, gợi lên sự tò mò và huyền bí cho nơi đây.
>> Khám phá những câu chuyện huyền bí khác tại:
- Phù Dung Cổ Tự với những kiến trúc cổ kính thời nhà Lê
- Lăng Mạc Cửu - dấu ấn Mạc Gia trên đất Hà Tiên
3. NHỮNG TRẢI NGHIỆM TẠI THẠCH ĐỘNG THÔN VÂN
3.1 Du ngoạn cảnh đẹp trên đường lên Thạch Động
Con đường dẫn đến Thạch Động Thôn Vân như một dải lụa mềm mại, uốn lượn giữa vùng quê Kiên Giang thanh bình. Mùa xuân về, ánh nắng rực rỡ nhuộm vàng những cánh hoa dại trên đường đi, hòa quyện cùng sắc xanh mướt của những hàng cây cao, tạo nên một khung cảnh thơ mộng đến nao lòng. Những cánh hoa mai vàng, hoa đào đỏ thắm trước nhà dân càng tăng thêm sự rực rỡ cho cảnh sắc nơi đây. Hãy dừng chân và tận hưởng không khí trong lành của mùa xuân hay thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất Hà Tiên.
3.2 Hành trình khám phá vẻ đẹp huyền bí và lịch sử bi hùng
Do địa hình là núi cao, để đặt chân lên tới đây, du khách phải chinh phục hơn 50 bậc thang. Ngay khi đặt chân đến cửa động, một tắm bia căm thù ghi lại sự tàn bạo của giặc Pôn Pốt ngay trước lối ra vào khiến du khách có thể cảm nhận được sự mất mát, đau thương lịch sự. Ngày 14 tháng 3 năm 1978, chúng đã tràn vào nơi này và sát hại 130 người dân vô tội đang ẩn náu. Sau này, đây lại trở thành căn cứ quân sự quan trọng bảo vệ biên giới Tây Nam và cũng là nơi Bộ binh 207 đã đóng quân dưới chân núi để chống lại quân Pôn Pốt. Bia tưởng niệm được xây dựng từ hai phiến đá đấm vào nhau như lời tiễn biệt, nỗi tiếc thương vô hạn, để tưởng nhớ những anh linh đã hy sinh vì quê hương, đất nước.
Bia Căm Thù
Thạch Động Hà Tiên gồm hai cửa ra vào, cửa chính nằm hướng về Thành phố Hà Tiên còn cửa phụ nằm xoay ra hướng đồng ruộng của xã Mỹ Đức. Bước qua cửa chính vào trong lòng Thạch Động, du khách lập tức đến với một hệ thống không gian vô cùng kì ảo và huyền diệu. Đá vôi ở Thạch Động được các nhà địa chất xác định hình thành và hoạt động vào thời Permi tức khoảng hơn 250 triệu năm trước. Trải qua hơn cả trăm triệu năm, các tảng đá nứt nằm xếp chồng lên nhau khiến con người ta lầm tưởng chỉ một ngọn gió có thể đạp đổ kiệt tác của tự nhiên nhưng thực tế lại trái ngược, nó vẫn trơ gan cùng giông bão.
Cấu trúc trong lòng Thạch Động
Nhắc đến Thạch Động Thôn Vân, ta không thể không nhắc đến chùa Tiên Sơn. Đây là ngôi chùa thờ phụng Phật Thích Ca Mâu Ni và Quan Thế Âm Bồ Tát, được xây dựng vào thập niên 90 của thế kỉ 18. Một số tư liệu cho biết vào thời Đại Mạc Cửu, đây là nơi tu đạo của Huỳnh Phong chân nhân – phụ thân của Mạc Thiên Tích. Chùa Tiên Sơn được xây dựng bằng tường gạch cùng những cột gỗ đen bóng không trạm chỗ, như được bàn tay của thời gian tô điểm, gợi lên sự tò mò và hấp dẫn cho du khách. Vì chánh điện ẩn mình lòng núi nên không khí luôn luôn mát mẻ và yên bình, như một nơi thanh tịnh tâm hồn, đặc biệt là vào tháng giêng. Trong không khí thanh tịnh của mùa xuân, việc dâng hương tại chùa Tiên Sơn như càng thêm ý nghĩa, mang lại cảm giác bình yên và may mắn cho năm mới.
Chùa Tiên Sơn được xây dựng trong lòng hang động
Bên trong Thạch Động có ba cửa hang nhỏ thông lên cao và một cửa hang nhỏ thông thẳng xuống lồng đất, được người dân truyền tai nhau là “đường xuống Địa Phủ” – đây chính là khu vực được Mạc Thiên Tích sai quân lính thăm dò nhưng bất thành. Người ta kể rằng, có rất nhiều người vì hiếu kì đã xuống đó để khám phá nhưng một đi không trở lại. Sau này, người dân thả những trái dừa có đánh kí hiệu và một thời gian sau chúng được tìm thấy ở bờ biễn Mũi Nai, vịnh Thái Lan.
Từ đường xuống Địa Phủ, len lỏi theo những vách đá về phía Đông du khách sẽ bắt gặp cửa hang thông thiên – Đường lên trời. Truyền thuyết kể rằng, từng có một sợi dây rừng kéo dài thẳng từ miệng hang xuống dưới đáy. Sau khi cứu công chúa Quỳnh Nga từ đường xuống địa ngục lên, Thạch Sanh đã buộc công chúa vào dây rừng và Lý Thông ở bên trên đã kéo thẳng lên. Sau đó, Lý Thông đã dùng đá lắp cửa hang lại, để Thạch Sanh không lên được.
Đường lên trời
Thạch Động như một lâu đài cổ kính, ẩn mình giữa rừng cây xanh mướt. Những tàng cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi, buông những chùm rễ già nua bay phất phơ trong gió, tạo nên một khung cảnh huyền ảo.Từ trên lưng chừng Thạch Động, du khách có thể phóng tầm mắt về phía Campuchia, ngắm nhìn những ngôi làng xinh xắn của nước bạn, hay một góc khác, có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Hà Tiên xinh đẹp.
4. KINH NGHIỆM DU LỊCH TẠI THẠCH ĐỘNG THÔN VÂN
4.1 Giá vé Thạch Động
Thạch Động mở cửa đón du khách từ 7h đến 17h hàng ngày với giá vé vào cửa chỉ 10.000đ cho người lớn và 5.000đ cho trẻ em. Ngoài ra, bạn có thể mua thêm vé phụ trội để chụp ảnh với giá 20.000đ hoặc thuê hướng dẫn viên với giá 50.000đ cho mỗi nhóm tối đa 10 người.
4.2 Lưu ý khi tham quan Thạch Động
Vì đây là một hang động tự nhiên nên du khách nên chọn những trang phục dễ di chuyển như áo thun, giày thể thao và các trang phục kín đáo khi dâng hương tại chùa Tiên Sơn. Nếu bạn đến Thạch Động Hà Tiên vào dịp Tết, hãy nhớ mang theo áo ấm vì trời có thể lạnh vào buổi sáng và tối. Bạn cũng nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ và nước uống để tận hưởng chuyến tham quan một cách thoải mái nhất.
TOUR PHÚ QUỐC - 3N3Đ - Giá chỉ từ 3.990.000đ. Xem chi tiết tại đây
TẠM KẾT
Hãy đến Thạch Động Hà Tiên và khám phá những bí ẩn ẩn chứa trong lòng hang động, tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Hà Tiên. Hãy để Zoom Travel đồng hành cùng bạn khám phá những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam!